Những ký ức bạn nhớ có thực sự chính xác?

Tháng chín 10, 2020

Ký ức có sức tác động rất mạnh mẽ đến việc nhìn nhận sự thật của bạn trong hiện tại. 

Có những lần bạn đang vui, bỗng trở nên tức giận với bạn bè của mình vì một lời nói đùa tưởng như vô hại.

Có những lần bạn đang đi ngoài đường, bỗng khóc nức nở như một đứa trẻ khi thấy một cảnh tượng quen thuộc nào đó diễn ra.

Tất cả những cảm xúc mãnh liệt này xảy đến với bạn khi một sự kiện bên ngoài nào đó kích thích đến những ký ức mang tính đau buồn mà bạn tưởng mình đã quên đi hoặc đã cố gắng che lắp nó. 

Những ký ức bạn có thể dễ dàng nhớ ra nếu được ai đó hỏi hoặc đào sâu vào, thường nằm ở tầng nhận thức (conciousness) hoăc tâng nhận thức thứ hai, hay còn gọi là Tiềm thức (subconciousness).

Nhưng sẽ có những ký ức bị quên hoặc bị ghi thiếu vào bộ dữ liệu, những ký ức này không hẳn mất đi, mà sẽ rơi vào tầng thứ 3 hoặc thứ 4 của nhận thức (unconciousness & id). Những ký ức bị thiếu này là những nút thắt dẫn đến trở ngại tâm lý hoặc cảm xúc của một người.

Nó có thể dẫn đến niềm tin mang tính định kiến về một con người hay sự việc nào đó.

Bạn có thể ghét ba mẹ của mình vì những ký ức trong nhận thức và tiềm thức của bạn chỉ thấy được những điều ba mẹ của mình làm cho mình tổn thương. Còn những ký ức đẹp thì bị tạm lãng quên, hoặc bị những ý ức đau buồn ghi đè lên những điều đó. Dẫn tới việc khó tha thứ và tổn thương kéo dài.

Bạn cũng có thể căm hận người yêu cũ của mình. Rồi qua năm tháng bạn nghĩ rằng mình đã quên được. Thế nhưng, bạn không thể yêu thêm một ai khác, bởi vì những ký ức thuộc tầng nhận thức và tiềm thức mách bảo bạn rằng, yêu là sẽ tổn thương, là sẽ đau đớn. Những ký ức đẹp về câu chuyện tình yêu bạn đã có đã bị những nỗi bất hạnh với cường độ to lớn ghi đè và bảo phủ lên nó. Dẫn tới việc bạn không mở lòng để yêu lần nữa.

Bạn cũng có thể tự động viên mình, tự nhắc mình rằng mình đã có một câu chuyện tình đẹp, một tuổi thơ may mắn để bước tiếp. Nhưng sau những lần làm như vậy, bạn có thật sự quên được những điều đau buồn này?

Những lời chúng ta tự nói với chính mình, hay cụ thể hơn là với tầng nhận thức và tiềm thức của bản thân, để có thể bước tiếp và sống vui vẻ chỉ là những động tác chữa lành tạm thời cho nỗi đau hiện tại. Giống như lấy một miếng băng cá nhân gắn lên một vết thương ở tay đang bị hoại tử từ bên trong. Trông có vẻ ổn, nhưng nó đang đau âm ỉ mỗi ngày và sẽ gây ra những cơn đau điếng bất kể khi nào có ai động chạm vào.

Vậy làm sao để có thể làm lành những ký ức này?

  • Bước đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng những ký ức này sẽ không mất đi dù chúng ta có cố lãng quên. Việc chấp nhận ký ức này là sự thật đã xảy ra sẽ khiến chúng ta nhìn nhận nó khách quan hơn, và xem nó như bất kì một ký ức nào chúng ta từng có trong đời. Chỉ là một mãnh ký ức trong hàng ngàn mãnh ký ức của một người. (Thực tế thì ký ức của con người có thể mất đi thông qua việc bị tổn thương não bộ, việc phẫu thuật não bộ; hoặc dùng liệu pháp thôi miên để tẩy trắng một đoạn ký ức. Bạn có thật sự muốn làm những việc này???)
  • Bước hai, chúng ta sẽ bắt đầu đi ngược lại quá khứ và đào sâu vào câu chuyện đã khiến chúng ta đau buồn.
  • Bước ba, bước ra khỏi câu chuyện đó và nhìn vào nó ở vị trí của một người quan sát trung lập. 
  • Bước bốn, đi một vòng xung quanh câu chuyện ký ức của chính mình, nhìn nó ở nhiều góc độ khác nhau. Ở đây tôi không dùng “tất cả góc độ” vì khả năng đứng ở các vị trí khác nhau trong bản đồ ký ức còn tùy thuộc vào trải nghiệm và khả năng tư duy trong hiện tại của bạn.
  • Bước năm, trò chuyện với bản thân vào thời điểm câu chuyện đã xảy ra, giúp cho con người trong ký ức hiểu được những điều mà con người trưởng thành của bạn trong hiện tại đang nhìn nhận khác đi so với ngày xưa.
  • Bước sáu, viết đoạn kết mới cho ký ức và chào tạm biệt ký ức cũ.

Bạn có thể tự thực hiện sáu bước này nếu đã có kinh nghiệm và kiến thức về việc trị liệu tâm lý. Hoặc bạn sẽ cần một nhà trị liệu phù hợp để cùng bạn thực hành những việc này.

Vì sao tôi dùng từ “nhà trị liệu phù hợp” mà không phải là giỏi nhất, hay xuất sắc nhất? Bởi vì một nhà trị liệu phù hợp, ngoài các điều kiện về mặt chuyên môn, họ còn phải tạo cho bạn cảm giác “tin tưởng” và “có thể kết nối”. Nếu không, bạn sẽ không thể sẵn sàng mở ký ức của mình để bước vào tìm hiểu. (Ngoại trừ việc bạn tìm đến nhà trị liệu thực hành liệu pháp thôi miên).

Tôi mong bạn sẽ có thể tìm lại được những niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn mỗi ngày.

-byQuy-

Bạn có thể tìm đến khóa học “Soul Search: Tìm kiếm nội tâm” để tìm hiểu thêm về lộ trình chữa lành tổn thương trong ký ức và bắt đầu quá trình tự chữa lành cho chính mình tại https://sjoerds.sg-host.com/soul-search-through-self-coaching/ 

0
Túi mua sắm của bạn
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng