Bỏ đi tình yêu đời mình, để tiếp tục làm người thứ ba trong một mối quan hệ khác

Tháng Chín 28, 2020

Cô ấy năm nay 39 tuổi, rất xinh đẹp. Cô thường nói với người xung quanh là cô 33 tuổi, và mọi người thường nghĩ rằng cô 27 tuổi. Cô rất thích đọc sách về lịch sử phương tây, và cô luôn nhận thức rõ ràng rằng mình đang trong một mối quan hệ độc hại. Mối quan hệ độc hại mà theo cô tự định nghĩa đó là cô đang trong một mối quan hệ say đắm với một người đàn ông đã có gia đình. Thế nhưng, cô cũng không muốn ông ấy ly hôn với vợ. Cô còn khuyến khích ông ấy đi gặp bác sĩ tâm lý hôn nhân để giải quyết vấn đề với vợ mình. Cô đã ở trong mối quan hệ này được 7 năm.

Trong một lần đau buồn với mối quan hệ hiện tại, cô vô tình gặp được anh. Anh say đắm cô mà không có một chút dục vọng. Cô nhận ra điều này, và cô cũng bắt đầu yêu anh. Cô nói với anh rằng anh không giống với người đàn ông nào trong đời mà cô từng gặp. Có lẽ 7 năm qua, cô chỉ chờ đợi để được gặp anh – người tình lý tưởng của cô. Còn anh, anh chờ đợi cả đời để được gặp cô – người tình định mệnh của anh.

Vào ngày quan trọng của đời mình, anh gặp cô. Anh ôm chằm lấy cô. Anh hỏi cô rằng: “Em sẽ đi cùng anh đến New York chứ?”. Cô nhìn anh, cô cười, đưa anh một tờ giấy, rồi nói với anh: “Đây là thứ có thể giúp anh thực hiện được ước mơ của đời mình nè. Giờ em phải đi đây.”

Nói xong, cô bỏ đi… Anh chỉ đừng một chỗ, ngơ ngác nhìn theo cô. Anh không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Trong giây lát, tôi cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Vì sao cô ấy lại bỏ đi mối lương duyên định mệnh của mình để tiếp tục sống với một mối quan hệ mà cô ấy tin là độc hại.

Cảnh phim cuối của bộ phim Terminal (2004) thật sự làm tôi suy nghĩ rất nhiều.

Nếu là tôi của hơn 10 năm trước, tôi có thể sẽ chỉ trích cô ấy vì lựa chọn mà cô ấy đã đưa ra. Nhưng với những trải nghiệm và nghiên cứu về con người, tôi tin rằng có nhiều lý do cho lựa chọn của cô ấy:

1. Sự an toàn: Cô ấy không biết chắc rằng việc đi tiếp cùng anh sẽ đem lại kết quả tốt hơn không. Hay sẽ là một tổn thương lớn hơn mà cô không chắc chịu đựng được. Sự an toàn ở đây cũng có thể liên quan đến nhu cầu tài chính, chỗ ở, lối sống của cô.

2. Thói quen: Cô ấy đã quen với nếp sống hiện tại. 7 năm không phải là một khoảng thời gian ngắn dù nó đem đến cho cô không ít tổn thương. Thế nhưng, những tổn thương này là tổn thương chấp nhận được. Nên cô không muốn thay đổi thói quen. Điều này cũng tương tự với những người thường than vãn về nơi làm việc của mình mỗi ngày, nhưng không dám từ bỏ nó.

3. Nghiện: Não bộ của cô ấy cũng có thể đã nghiện với cảm giác bị tổn thương và sống trong lo lắng. Tình trạng này gọi là “nghiện tâm lý”, nhưng nó cũng có những điểm tương đồng với việc nghiện thuốc, hoặc nghiện bị bạo hành, hoặc nghiện bị bạo dâm.

4. Ám ảnh quá khứ: Có thể lựa chọn này của cô ấy cũng xuất phát từ những chuyện đã xảy ra trong tuổi thơ. Những nỗi niềm này đã hình thành lên những giá trị để cô lựa chọn và đeo đuổi mối quan hệ của mình.

5. Không đáng được yêu: Có thể cô ấy từng gây ra những lỗi lầm trong quá khứ, và cảm giác mình không xứng đáng được yêu thương. Cô ấy không tự tha thứ được cho mính mình. Và việc tiếp dục chịu tổn thương trong vai trò người thứ ba là một vết đau giúp cô ấy có niềm tin rằng mình đang được trừng phạt đích đáng.

6. Quy luật bù đắp: Cô ấy có thể dùng những tổn thương tâm lý và nỗi lo lắng khi làm người thứ ba để tạm thời quên đi những nỗi đau lớn hơn.

Ngoài 6 lý do này, còn rất nhiều lý do khiến cô ấy không sẵn sàng để sống với tình yêu định mệnh của đời mình. Khi nghĩ được đến đây, tôi trở nên bao dung và đồng cảm với lựa chọn của cô ấy hơn.

Tôi không đề cập đến việc cô ấy đang làm là đúng hay sai. Vì đây là góc nhìn của mỗi người, mỗi nền văn hóa, mỗi hoàn cảnh.

Mỗi người trong chúng ta đều có lựa chọn riêng, những hoàn cảnh riêng. Nhưng đôi khi chúng ta đang để cho đánh giá, và góc nhìn của những người không hiểu mình khiến bản thân bị tổn thương. Hoặc đôi khi, chính bản thân mình cũng đưa ra những nhận định khiến người khác tổn thương như thế.

Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về sự lựa chọn của cô ấy? Vì sao bạn nghĩ vậy?

Tôi cũng là người từng bị xem là có những lựa chọn ngu xuẩn. Tôi cũng từng tự trách móc mình. Tôi từng tự không tha thứ được cho mình. Thế nhưng, nhờ hiểu được giá trị nội tại của bản thân, hiểu được những yếu tố tác động khả thi. Tôi trở nên bao dung cho mình và mọi người hơn. Và khi tôi tha thứ được cho chính mình, những lựa chọn tưởng chừng như là ngu xuẩn ngày nào đã đem lại nhiều điều tích cực cho tôi.

Nếu bạn cũng từng giống như tôi ngày trước. Bạn đang loay hoay không biết mình muốn gì? Bạn không hiểu mình là ai? Vì sao mình lại có những lựa chọn như thế? Bạn có thể gặp tôi và những người giống như bạn trong lớp học chuyên sâu “Soul Search: Tìm kiếm nội tâm” : https://sjoerds.sg-host.com/soul-search-through-self-coaching/

Đừng quên chia sẻ giúp Quý nếu thấy bài viết này hữu ích nhé.

0
Túi mua sắm của bạn
  • Không có sản phẩm trong giỏ hàng